Bức xúc với hàng loạt hình ảnh phạm luật giao thông của người dân được đăng tải và chia sẻ mỗi ngày. Từ ngày 1/8 đây sẽ chính là tư liệu để lực lượng chức năng xử phạt vi phạm giao thông theo đúng quy định. Đây cũng là điểm nổi bật trong Nghị định 46 sửa đổi, hy vọng khi quy định này được ban hành có thể làm giảm tối đa các trường hợp phạm luật tại các điểm không có CSGT trực chiến.
Nâng cao trách nhiệm người dân
Theo ông Hoàng Thế Trung, Phó Vụ trưởng Vụ ATGT cho biết để thắt chặt tình hình trật tự an toàn giao thông, dự thảo đã bổ sung 3 nội dung mới liên quan đến phạt nguội, trong đó sửa đổi quy định xử phạt hành vi vi phạm giao thông được phát hiện thông qua các thiết bị kỹ thuật số nghiệp vụ.
Đúng vậy, khác với Nghị định 46 cũ chỉ quy định sử dụng phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để làm căn cứ xác minh vi phạm thì nay đã được bổ sung thành các thông tin, hình ảnh được thu từ các phương tiện ghi hình của cá nhân, tổ chức cung cấp.
Việc bổ sung thêm quy định này để phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc đấu tranh, phát hiện và tố giác tội phạm. Cụ thể như sau:
“ Khi người dân quay hay chụp được cảnh vi phạm sẽ cung cấp cho cơ quan chức năng làm căn cứ xử phạt. Hiện nay, các lực lượng đang sử dụng các hình ảnh do người dân cung cấp cho cơ quan chức năng để làm cơ sở mời chủ phương tiện hợp tác xác minh người điều khiển phương tiện có hành vi vi phạm, yêu cầu học xác nhận và ký biên bản để làm căn cứ quyết định xử phạt”.
Ngoài ra, người cung cấp thông tin cũng sẽ được giữ kín danh tính để đảm bảo quyền lợi, sự an toàn cá nhân.
Liên quan đến trách nhiệm chủ phương tiện, ông Tùng cho biết, dự thảo quy định, khi phát hiện hành vi vi phạm qua thiết bị nghiệp vụ mà cơ quan chức năng chưa dừng ngay để được xử lý, sẽ gửi thông báo yêu cầu cá nhân, tổ chức đến trụ sở giải quyết. Chủ phương tiện có nghĩa vụ hợp tác với cơ quan chức năng xác định đối tượng thực hiện hành vi vi phạm giao thông. Trường hợp chủ phương tiện là cá nhân nếu không hợp tác, không chứng minh được mình không phải là người đã điều khiển phương tiện thì bị xử phạt hành vi vi phạm.
Kiểm soát chất lượng máy ảnh, camera
Nhiều lợi ích nhưng lại không ít bất cập, dẫn đến xử phạt vi phạm giao thông cũng không được suôn sẻ. Khi sử dụng máy ảnh, camera của người dân thì sợ các thiết bị không có đủ chất lượng , không được kiểm định dẫn đến không lập biên bản được.
“ Thiết bị máy ảnh, camera, ghi âm cần được quy định rõ trong nghị định lần này là không phải kiểm định vì các loại thiết bị này đều được sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế nên không có chuyện đạt chuẩn hay không đạt chuẩn. Còn việc sử dụng hình ảnh đã qua photoshop đã có quy định pháp luật khác điều chỉnh”.
Đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho rằng, quy định tại Khoản 8, Điều 80 về trường hợp phát hiện hành vi vi phạm thông qua phương tiện, thiết bị nghiệp vụ cần đối chiếu lại với Điều 11, Nghị định 165 quy định về quản lý phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính. Cụ thể, Điều 11 quy định, khi có kết quả thu được từ thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, người có thẩm quyền xử phạt cần nhanh chóng xác định tổ chức, cá nhân vi phạm. Trường hợp xác định được phải lập biên bản và kết quả được lưu cùng biên bản. Trường hợp chưa phát hiện được kết quả thu được không được dùng để lập biên bản xử phạt.
Bắt đầu từ 1/8 quy định cho phép sử dụng clip được ghi lại thông qua thiết bị ghi hình của cá nhân, tổ chức để ra quyết định xử phạt vi phạm giao thông sẽ có hiệu lực. Tuy nhiên, ý thức tham gia giao thông của mỗi người vẫn luôn là điểm mấu chốt để đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình và người khác.