Chiều 30/5/2019, Cục CSGT đã cho ra mắt phần mềm tra cứu thông tin GPLX, với phần mềm này CSGT có thể tra cứu bất cứ lúc nào để phát hiện GPLX thật hay giả, nơi cấp, các trường hợp cố tình gian dối báo mất, bị tạm giữ, tước không đến nộp phạt, phần mềm sẽ phát hiện ngay.
Nhanh chóng, tiện lợi, chính xác
Báo cáo tại Hội nghị chia sẻ thông tin về phần mềm quản lý GPLX, Đại úy Nguyễn Phước Huy, Phó Trưởng phòng tham mưu, Cục CSGT cho biết, phần mềm tra cứu thông tin GPLX được tích hợp trên cổng thông tin của Cục CSGT.
Có 3 trường hợp có thể tra cứu: tạm giữ GPLX mà người vi phạm không đến xử lý; những lái xe đang bị tước quyền sử dụng; phương tiện vi phạm giao thông được phát hiện qua hình ảnh.
Mục đích của phần mềm để Tổng cục Đường bộ Việt Nam tra cứu thông tin, phục vụ công tác cấp đổi giấy phép lái xe. Đồng thời Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng chia sẻ dữ liệu quản lý GPLX cho lực lượng CSGT để phục vụ cho công tác nghiệp vụ, tuần tra kiểm soát, xử lý sai phạm. Người dân cũng có thể truy cập vào Trang thông tin điện tử Cục Cảnh sát giao thông để tra cứu thông tin biển số xe của mình có nằm trong danh sách vi phạm hay không. Hệ thống nhanh chóng cho ra kết quả về biển số xe, thời gian, địa điểm, đơn vị phát hiện vi phạm và địa chỉ, số điện thoại để liên hệ giải quyết xử lý.
Đến nay, cảnh sát giao thông các địa phương đã nhập vào hệ thống của phần mềm tra cứu thông tin GPLX gần 3000 trường hợp GPLX bị tước, tạm giữ; 290 phương tiện vi phạm được ghi nhận qua hệ thống giám sát.
Tiền đề để xây dựng dữ liệu chung
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết đây là lần đầu tiên trong lịch sử đào tạo, sát hạch và cấp GPLX cũng như theo dõi, quản lý GPLX được kết nối được cả người dân, CSGT và Bộ Công an. “ Phần mềm tra cứu thông tin GPLX này sẽ trị được những người gian dối xin cấp GPLX nhiều lần. Cũng là tiền đề để Cục CSGT và Tổng cục đường bộ Việt Nam xây dựng cơ sở dữ liệu chung, phục vụ quản lý đảm bảo ATGT. Trên cơ sở kết nối này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ xây dựng và lưu trữ lịch sử GPLX của một người từ khi bắt đầu học đến khi không hành nghề nữa. Trong quá trình này, lái xe mắc lỗi vi phạm rượu, bia, am túy,….khi đang lái xe cũng được lưu trữ cả đời. Qua đó, minh bạch được quá trình xử lý của cơ quan pháp luật đối với lái xe” Ông Huyện nous.
Từ ngày 1/6/2019 tới, khi có sự phối hợp giữa hai ngành, khi CSGT xử lý vi phạm, cập nhật trên cơ sở dữ liệu và khi tra cứu trên cơ sở dữ liệu này sẽ có thể phát hiện các trường hợp gian dối và gửi san ngành Giao thông, những trường hợp này sẽ bị thu hồi GPLX.
Có thể nói, đây là một trong những hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý Nhà nước, cải cách thủ tục hành chính nhằm gắn kết các lực lượng CSGT với người dân cũng như các cơ quan chức năng trong công tác theo dõi, quản lý rất hiệu quả.