Cùng với việc phải cắt giảm nhân sự, lợi nhuận của nhiều “đại gia” trong lĩnh vực kinh doanh taxi cũng đã giảm chóng mặt.
Một trong những nguyên nhân mà các doanh nghiệp này nêu ra đó là sự xuất hiện của các hãng taxi công nghệ, cụ thể là Uber và Grab. Đây cũng không phải lần đầu tiên các hãng taxi truyền thống “kết tội” taxi công nghệ.
Với một thị trường đa số là những người trẻ, tỷ lệ người dùng điện thoại di độngthông minh cao, Việt Nam chính là một trong những thị trường lý tưởng cho các hãng taxi công nghệ. Ở chiều ngược lại, các hãng taxi truyền thống đứng trước bài toán khó và kết quả kinh doanh của họ đã nói lên tất cả.
Xét về chất lượng phục vụ, các hãng taxi truyền thống, sau nhiều năm kinh doanh cũng không chứng tỏ được ưu thế của mình trước “người anh em” công nghệ sinh sau đẻ muộn. Không ai dám cam đoan một hành khách bước lên taxi truyền thống không bị làm phiền bởi các vấn đề như đồng hồ chạy quá nhanh hay lái xe từ chối chở khách vì đường quá ngắn, thậm chí cố tình chạy lòng vòng với khách “chân ướt chân ráo” từ nơi khác đến… Muốn biết nỗi đoạn trường đi vài km có thể bị hét giá vài triệu đồng, có thể hỏi vài du khách nước ngoài mà nhiều trường hợp đã được báo chí phản ánh.
Để phản đối taxi công nghệ, các hãng taxi truyền thống than phiền về chuyện cạnh tranh bất bình đẳng, thậm chí có hãng còn dán lên thân xe khẩu hiệu “hãy đi taxi truyền thống để bảo vệ nguồn thu ngân sách” (?!). Một số hãng còn lựa chọn hình thức khởi kiện các hãng taxi công nghệ cạnh tranh thiếu lành mạnh.
Tuy nhiên sau một thời gian từ than phiền đến kêu gọi, khởi kiện mà không có kết quả, không còn cách nào khác, chính các hãng taxi truyền thống cũng phải đổi mới, chuyển mình và… áp dụng công nghệ.
Nhằm cạnh tranh với xe chở khách như Grab, Uber, thời gian qua nhiều hãng taxi Việt triển khai ứng dụng gọi xe công nghệ. Tuy nhiên do phần mềm bất tiện, giá cước đắt, taxi công nghệ Việt vẫn chưa chứng tỏ được mình.
Bộ GTVT đã đồng ý cho thêm 10 đơn vị được tham gia đề án thí điểm ứng dụng công nghệ trong quản lý và kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng với xe ô tô dưới 9 chỗ. Trong đó, ngoài Uber và Grab còn có 8 doanh nghiệp khác. Tuy nhiên tính đến thời điểm hiện tại, trong các đơn vị Việt Nam được Bộ GTVT chấp thuận cho triển khai xe công nghệ, mới có 4 ứng dụng gồm Mai Linh Car, Home Car, Thanh Cong Car, V.Car là kết nối được.
Tạm gác câu chuyện cạnh tranh thị phần giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống, nhìn dưới góc độ người tiêu dùng rõ ràng họ đang được hưởng lợi và chẳng có lý do gì để họ phản đối một một loại hình vận chuyển hành khách mới tiện và rẻ hơn rất nhiều.
Ảnh minh họa |
Có thể thấy rõ nhất ở chuyến đi taxi từ trung tâm TP Hà Nội đến sân bay Nội Bài. Trước đây các hãng taxi truyền thống áp dụng phương thức tính theo đồng hồ. Giá cước của chuyến đi này thường dao động từ 300 đến 400 ngàn đồng tùy thuộc vào điểm xuất phát của khách hàng. Từ khi có taxi công nghệ, giá cả đã giảm xuống rõ rệt, nhiều hãng taxi truyền thống cũng phải áp dụng cách tính giá cước cố định cho chuyến đi này. Đơn cử như hãng taxi CP giờ đây cũng áp dụng giá cước cố định chỉ còn 260.000 đồng cho tuyến đường nói trên.
Dưới góc độ nào đó, khi chưa xuất hiện taxi công nghệ, các hãng taxi truyền thống đang vận hành như một hình thức độc quyền. Họ đưa ra mức giá chung, giữa các hãng mức giá chênh lệch là không đáng kể và người tiêu dùng buộc phải lựa chọn một trong số họ.
Tuy nhiên với sự phát triển của công nghệ, loại hình vận tải hàng khách mới đã ra đời và taxi truyền thống cho dù muốn cũng không thể đi ngược lại xu thế chung. Để tồn tại, cách tốt nhất là liên tục đổi mới công nghệ, sắp xếp và tinh giản bộ máy quản lý. Thay vì than phiền, kêu gọi tẩy chay hay khởi kiện, các hãng taxi truyền thống có lẽ nên tự làm mới mình mới mong cạnh tranh sòng phẳng và tồn tại…