Đúng theo nghĩa đen, “mất lái” là cụm từ dùng để diễn tả hiện tượng người điều khiển phương tiện gia giao thông mất kiểm soát, đa số sự việc đều có diễn biến nhanh chóng khiến người điều khiển xe và những người cùng tham gia giao thông không thể phản ứng kịp thời.
Đó cũng chính là nguyên nhân của hàng loạt các vụ tai nạn giao thông thảm khốc. Vậy đâu là nguyên nhân khiến xe bị mất lái và cách xử lý khi ô tô mất lái là như thế nào? Mời các bạn theo dõi chi tiết tại bài chia sẻ dưới đây của chúng tôi nhé.
Nguyên nhân khiến xe mất lái
Thực tế có nhiều nguyên nhân dẫn tới hiện tượng mất lái có thể đó là nguyên nhân chủ quan hoặc nguyên nhân khách quan.
Về phía khách quan, xe ô tô bị mất lái là do lỗi kỹ thuật của xe như nổ lốp, có thể do một vài chi tiết nào đó trong hệ thống lái hoặc các bộ phận liên quan bị hỏng hóc, kẹt cứng hay do hệ thống bánh xe chưa được cân chỉnh chính xác dẫn đến lệch trục,….
Hai là cũng do nguyên nhân chủ quan từ người lái, không làm chủ được tốc độ ở những đoạn cua, đường trơn, không làm chủ được chân ga, chân phanh, cũng có thể do sử dụng chất kích thích khi lái xe nên không đảm bảo được sự tập trung nhất định.
Các trường hợp mất lái có thể gây nên hàng loạt nguy hiểm cho người và của. Điển hình là cụ tài xế xe container đâm trực diện vào 21 xe máy đang dừng đèn đỏ tại Long An do sử dụng ma túy khi đang điều khiển phương tiện hay vụ tai nạn ở tỉnh Đắk Lắk khiến 5 người thương vong do một xe bán tải đang lưu thông với tốc độ cao ở Tỉnh lộ 1 thì bất ngờ mất lái rồi tự đâm vào gốc cây ven đường. Và không ít các vụ tai nạn khác vẫn diễn ra hằng ngày, hàng tuần do tài xế không biết cách xử lý ô tô mất lái.
Cách xử lý tình huống ô tô bị mất lái
Dù là nguyên nhân chủ quan hay khách quan thì các bác tài vẫn hoàn toàn có thể kiểm soát để giảm bớt rủi ro do mất lái gây nên.
Nếu xe mất trợ lực lái, các bác tài lúc này cần giữ chặt vô lăng bằng hai tay để duy trì quyền kiểm soát. Giảm tốc độ từ từ, bật đèn cảnh báo hoặc đèn xi nhan xin vượt. Lưu ý, tài xế vẫn có thể đánh lái nhưng nặng hơn. Phanh gấp hoặc chạy tốc độ quá chậm sẽ khiến việc lái bằng tay trở nên khó khăn. Cuối cùng là cẩn trong đưa xe vào vị trí đỗ an toàn.
Khi xe đã mất lái, tài xế cố gắng giữ bình tĩnh nhằm đưa ra các phương án xử lý nhanh gọn, dứt khoát giảm tối đa thương vong. Cụ thể, đối với mặt đường khô và vắng xe thì bác tài có thể phanh gấp để dừng xe ngay lập tức. Nhưng với mặt đường trơn, thì tài xế cần rà phanh để kiểm soát hướng di chuyển, đừng bao giờ phanh gấp tránh lật xe. Nguyên nhân là do khi bánh xe bị khóa cứng, lực bám sẽ không còn, xe có thể bị văng đi bất cứ chỗ nào gây nguy hiểm cho bạn và những người cùng tham gia giao thông.
Trường hợp trên đường có nhiều xe cộ hoặc đường cao tốc thì tài xế cần ra tín hiệu cảnh báo cho các xe khác bằng đèn, còi, nếu là ban đêm thì sử dụng đèn cảnh báo sự cố, nháy đèn pha/cốt liên tục nhằm tạo sự chú ý. Cùng với đó các bác tài cố gắng nhấp nhả phanh chân, phanh tay và về số để kiểm soát xe, giảm tốc độ từ từ. Khi xung quanh không còn phương tiện thì tài xế có thể nghĩ đến phương án phanh gấp.
Phòng tránh mất lái xe ô tô
Nhìn chung phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh, thông thường các tình huống mất lái bất ngờ đều do lỗi kỹ thuật của xe. Lúc này các cách xử lý ô tô khi mất lái sẽ khó để thực hiện hơn do xe bị hỏng hóc nên mọi người cần chú ý bảo dưỡng, kiểm tra tình trạng xe thường xuyên. Nhất là các bộ phận như vô lăng, vòng bi, rô- tuyn lái, gioăng cao su, áp suất lốp, căn chỉnh góc đặt bánh xe,….
Ngoài ra, các bác tài không nên sử dụng các chất kích thích khi tham gia giao thông như rượu bia, ma túy, cà phê,…vì chúng chỉ có thể làm mọi người tỉnh táo tức thời nhưng sau đó sẽ gây nên buồn ngủ và mệt mỏi. Không nên phóng nhanh, vượt ẩu, lưu thông đúng tốc độ cho phép, khi ôm cua giảm tốc độ tối đa 20%, đồng thời giữ khoảng cách an toàn với các xe khác.
Đó là một số chia sẻ của chúng tôi về cách xử lý khi ô tô mất lái, hy vọng các bác tài sẽ có được thông tin hữu ích cho bản thân. Chúc mọi người có những chặng đường an toàn và trọn vẹn.