Lái xe số sàn cần có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cả tay và chân để đạp ga, đạp phanh, đánh lái sao cho mọi thứ thật trơn tru nhằm đảm bảo tuổi thọ của xe không phải là điều dễ dàng với nhiều người. Đa số vẫn mắc phải những sai lầm vô tình làm ảnh hưởng đến chất lượng của máy, dưới đây là 10 điều bác tài không nên làm khi điều khiển xe số sàn, đừng bỏ lỡ nhé.
1. Để số khi dừng đèn đỏ
Thông thường khi về số N sẽ có lợi ích nhất cho các bác tài khi dừng đèn đỏ hoặc trong những lúc tắc đường. Bởi lẽ, dù ổ bi có kết nối trực tiếp với bộ ly hợp có tuổi thọ khá dài, tuy nhiên nó không hoàn toàn bền bỉ bếu người lái sử dụng sai cách. Đặc biệt về N sẽ tách ly hợp ra khỏi hộp số giúp vòng bi không tiếp xúc với các lò xo trên bộ ly hợp, điều này làm tăng tuổi thọ cho hệ truyền động của xe.
2. Côn trước, phanh sau
Ở tài mới họ thường có thói quen côn trước, phanh sau, tuy nhiên ở một số lái “già” họ cũng sử dụng kỹ thuật này vì lý do sợ chết máy. Ở tốc độ thấp, ảnh hưởng của điều này sẽ không lớn lắm vì quán tính xe thấp. Nhưng nếu xe đang chạy ở tốc độ cao, muốn dừng mà tài xế lại cắt côn trước sẽ khiến phanh mất tác dụng, đồng thời xe có thể mất đi độ bám như trường hợp cắt côn vào cua.
Thông thường cách xử lý chính xác trong mọi trường hợp là phanh trước, đến khi xe cảm thấy chậm lại thì đạp côn để ngắt kết nối trước khi về số hoặc đi tiếp.
3. Để chân lên bàn đạp côn
Nhiệm vụ của bàn đạp côn là ngắt ly hợp, tách hộp số khỏi động cơ để xe có thể chuyển số. Khi gác chân lên bàn đạp côn thì không ít nhiều bạn cũng sẽ tác dụng một lực lên đó, nhất là những xe có bàn đạp côn nhẹ. Điều này sẽ làm bố ly hợp không ăn khớp hoàn toàn với động cơ và gây ra tình trạng trượt ly hợp. Hậu quả dẫn đến hộp số không tải đủ 100% công suất từ động cơ, gây tiêu hao nhiều nhiên liệu, cùng với đó bố ly hợp cũng sẽ nhanh chóng bị ăn mòn.
Điều đáng nói là bố ly hợp chính là bộ phận có trách nhiệm kết nối động cơ và hộp số để truyền lực đến các bánh răng dẫn động. Hơn nữa, bố ly hợp có khả năng cắt đường truyền lực khi cần thiết. Chính vì vậy, nếu người lái liên tục tì chân lên cô, bộ phận này có thể sẽ hoạt động “nửa vời” và nhanh chóng bị bào mòn. Đến khi bố ly hợp sắp hỏng, xe sẽ mất độ bốc và ì hơn bình thường.
4. Cắt côn khi vào cua
Khi lái xe số sàn mà bác tài cắt cua, xe sẽ chạy theo quán tính mà không bị hãm động cơ, do đó có cảm giác xe chạy mượt mà, qua cua dễ dàng khiến tài xế ưa thích, chính vì thế mà họ rất hay nhầm tưởng đây là kỹ thuật lái xe đúng đắn. Hãy nhớ rằng, đây mới là thói quen nguy hiểm đến tính mạng của bạn và cả cho tuổi thọ chiếc xe.
Khi chỉ còn lăn bánh theo quán tính, hệ thống phanh giảm tác dụng, đòi hỏi quãng đường phanh lớn hơn, tài xế khó kiểm soát được tốc độ nếu đánh lái thừa hoặc thiếu. Bên cạnh đó, bánh xe cũng giảm độ bám đường và làm tăng rủi ro mất lái.
5. Dùng côn để giữ xe trên dốc
Khi dừng trên dốc, rất nhiều tài xế quen cách nhả côn tới thời điểm giữ cho xe đứng yên, ngay cả khi đi học bằng lái, vẫn có những bạn sử dụng cách này để đi lên dốc. Tuy nhiên, đây lại là một hành động gây hại cho hộp số, khi các chi tiết như bố ly hợp, bánh răng dẫn động, ổ bi sẽ phải phải chịu lực ma sát rất lớn để giữ cho khối lượng xe đứng yên trên dốc, trong khi thắng ở 4 bánh có thể đảm nhận nhiệm vụ này dễ dàng.
Thực tế, tính năng này chỉ cho phép giữ xe đứng yên trong vòng 1-2 giây để người lái có thời gian chuyển từ bàn đạp thắng sang bàn đạp ga. Hãy sử dụng thắng tay khi đậu xe lâu hơn 5 giây, nếu sợ xe bị trượt dốc khi di chuyển, hãy thả bớt chân côn, dậm thêm ga và từ từ nhả thắng tay để xe bò lên dốc.
6. Về N khi đổ dốc
Về N khi đổ dốc cũng tương tự như khi vào cua nhưng tính chất thậm chí còn nguy hiểm hơn, bởi lẽ độ dốc khiến trọng lực lớn tác động vào xe, quán tính tăng nhanh. Đường dốc lại thường nằm ở địa hình đồi núi, khi liên tục quanh co, phải đánh lái nhiều, về N có thể khiến rủi ro tăng cao hơn bao giờ hết. Trong trường hợp cần số thấp để hãm phanh động cơ, theo nguyên tắc “lên số nào, xuống số đấy”.
7. Tỳ tay lên cần số
Cơ cấu hoạt động của số sàn là đạp côn, vào số, nhả côn và tăng ga, khi đó xe sẽ từ từ di chuyển. Có nhiều tài xế khi lái xe số sàn thường đặt 1 tay lên vô lăng, 1 tay lên cần số để tiện di chuyển cần, hoặc đơn giản đó chỉ là một thói quen những khi đi trên cao tốc nhàn rỗi. Thế nhưng hành động này lại chính là nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến hộp số. Khi bạn thao tác gài số, cần số được nối trực tiếp vào càng gắp số- có hình dạng như một ngã 3, càng gáp số này kết nối trực tiếp với bộ đồng tốc và nó sẽ “lùa” bộ đồng tốc ăn khớp với bánh răng số giúp xe vào được số.
Khi xe di chuyển, các bộ phận này rung lắc, mặc dù mật độ rung lắc rất nhỏ, bạn chỉ có thể cảm nhận được khi đặt tay vào cần số. Tuy nhiên nhiều người lái vì đặt tay vào cần số liên tục sẽ khiến càng gấp số tiếp xúc với bộ đồng tốc đang xoay với tốc độ cao, dẫn đến cả hai chi tiết sẽ nhanh chóng bị mòn và hư hỏng.
8. Ép số để tăng tốc
Số cao, trên cần cố có vai trò giúp xe đi nhanh nhưng vẫn giữ vòng tua máy thấp, giúp tiết kiệm nhiên liệu và các chi tiết máy được hoạt động với áp lực thấp nhất. Khi muốn tăng tốc, các bác tài thường về một số, tăng ga, sau đó mới lên lại số cũ điều này giúp xe tăng tốc nhanh nhưng cũng hại hộp số hơn so với cách nhấn thêm ga để tăng tốc.
Ngoài ra, với xe số sàn bác tài chỉ nên sang số khi xe đạt đủ vận tốc, hạn chế thói quen sang số khi vòng tua máy chạm đến vạch đỏ. Bắt hộp số phải làm việc dưới sức ép lớn lâu ngày, tuổi thọ của nó chắc chắn sẽ bị giảm, đồng thời tốn thêm chi phí sửa chữa.
9. Lười chuyển số
Đa số mọi người thường lười chuyển số nhất là trong các tình huống xe phải chạy chậm lại một lúc, xe nối đuôi nhau hoặc sau đó cần đà để vượt. Nhiều người còn có kiểu đi một số cho dễ, tức là hạn chế chuyển số về thấp mà lại lạm dụng chân ga. Ví dụng ở trường hợp vượt, đáng ra nên về số 3 để đảm bảo sức kéo lớn nhất giúp xe tăng tốc nhanh để vượt nhưng tài xế vẫn để số 5 hoặc chỉ số 4, khiến xe ì, thời gian vượt lâu, thậm chí dẫn đến nguy hiểm cho cả người và xe.
10. Dùng tay phanh không đúng cách
Phanh tay không được thiết kế để dừng xe khi đang chạy, mà chỉ giữ xe đứng yên khi đã dừng. Vì vậy nếu lái xe số sàn tụt dốc mà chỉ kéo phanh tay là một nguy hiểm lớn. Ngược lại nếu vô tình không nhả hết phanh tay ( do nhả không dứt khoát), phanh sẽ bị mòn và nguy hiểm hơn là phát sinh nhiệt có thể làm sôi dầu phanh dẫn đến hậu quả là phanh mất tác dụng.
Có thể thấy, lái xe ô tô cần cả một “bầu trời” kỹ thuật, chứ không chỉ dăm ba cái hướng dẫn khi học lái xe để cho “qua môn”. Muốn xe bền, người khỏe thì đừng quên lưu những cảnh báo về 10 điều không nên làm khi lái xe số sàn được chúng tôi gợi ý ở trên hoặc chia sẻ ngay đến với bạn bè của mình bác tài nhé.