Gần đây, có nhiều vụ tai nạn liên hoàn diễn ra, số lượng người chết vì tai nạn giao thông tăng lên đáng kể, khiến dư luận đặt dấu hỏi về chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe. Trước thực trạng đó, Bộ GTVT đã đưa ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo cả về kỹ năng lẫn đạo đức của người lái xe.
Xe “điên” ám chỉ trực tiếp đến người lái
Từ nửa đầu năm 2019, xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm điển hình là vụ xe Container đâm hàng loạt người dừng đèn đỏ ở Long An làm 4 người tử vong, xe tải đâm đoàn người đi viếng nghĩa trang trên QL5 Hải Dương làm 8 người tử vong và không thể đếm xuể các vụ xe “điên” trong thành phố Hà Nội đâm người.
Theo đánh giá của các chuyên gia , đặc điểm chung của những chiếc xe “điên” đều có liên quan trực tiếp đến lái xe, thể hiện qua sự yếu kém của lái xe khi xử lý, nhận diện tình huống, thậm chí có những lái xe xem nhẹ tính mạng của người tham gia giao thông.
Hiện nay, người dân có thể dễ dàng tìm kiếm các thông tin trên mạng internet quảng cáo về dịch vụ học lái xe với các tít “ Học lái xe giá rẻ”, “Học lái xe ô tô đảm bảo đỗ 100%”, “ôn thi bằng B2 một thầy, một trò”…Nhiều người rỉ tai nhau các cách học “chống trượt” để vượt qua các kỳ sát hạch, kiếm được tấm bằng lái xe, trong khi kỹ năng điều khiển phương tiện còn chưa thuần thục.
Đề cập tới vấn đề đào tạo và sát hạch lái xe, ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái ( Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, những cơ sở tràn lan trên mạng với những lời quảng cáo hấp dẫn hầu hết đều không có chức năng đào tạo và sát hạch lái xe, các trung tâm này chỉ nhận hồ sơ để kiếm hoa hồng. Đặc biệt có những cơ sở còn hiên ngang tuyển sinh mà không có giấy phép. Nhiều người dân vì không có thời gian, cũng vì tâm lý lo trượt nên đã tìm đến các trung tâm này.
Đồng thời, do các trung tâm ngày càng mọc lên nhiều, hiện tượng cạnh tranh gay gắt, đua nhau giảm giá, chiêu sinh, gây “loạn” về phí đào tạo, cắt xén các chương trình trong đào tạo sát hạch lái xe, học viên cũng thiếu tự giác, nghiêm túc trong quá trình học dẫn đến chất lượng lái xe khi cầm tấm bằng trên tay vẫn còn nhiều bất cập.
Đầu tư công nghệ tiên tiến để kiểm tra, giám sát các phần thi
Đâu là giải pháp tốt nhất để nâng cao kỹ năng lái xe, đạo đức người cầm lái? Một câu hỏi khiến các nhà chức trách không khỏi băn khoăn. Ông Lương Duyên Thống cũng cho biết, việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe những năm qua được cải thiện rất nhiều. Đặc biệt tại các trung tâm sát hạch lái xe, phần thực hành đã được gắn chip, có chấm điểm tự động nên đã phần nào hạn chế những tác động tiêu cực của con người.
Theo ông Thống, Tổng cục vẫn đang nghiên cứu về việc sửa đổi Thông tư 12/2017 của Bộ GTVT về đào tạo, sát hạch lái xe. Theo đó, tất cả các trung tâm bắt buộc phải phải đầu tư camera, kiểm tra, giám sát các phần thi và truyền dữ liệu thẳng lên Tổng cục Đường bộ VN để minh bạch số km thực tế của học viên, “cắt xén’ giờ thực hành trong đào tạo, cấp giấy phép lái xe ô tô. Những thí sinh trượt lý thuyết hoặc thực hành, cơ sở sát hạch bắt buộc sau 1 tháng mới cho học viên thi lại để có thời gian ôn luyện kỹ hơn.
Ngoài ra, số câu hỏi thi lý thuyết cũng tăng lên 600 câu thay vì 450 câu như trước đây. Đồng thời, trong công tác quản lý GPLX, việc sử dụng phần mềm chia sẻ dữ liệu vi phạm của người lái xe giữa tổng cục Đường bộ và Bộ Công an sẽ góp phần loại trừ tình trạng người bị tạm giữ giấy phép lái xe nhưng lại khai báo mất để được cấp lại.